Duy trì nhiệt độ hoạt động ở mức ổn định từ xưa đến nay luôn là một trong những việc làm quan trọng nhất khi sử dụng một bộ máy tính, bất kể bạn có là một người sử dụng văn phòng, game thủ hay là dân chơi công nghệ và ép xung. Tuy nhiên, để tối ưu việc tản nhiệt cho một bộ máy tính, đặc biệt là các cấu hình chơi game hoặc ép xung với nhiều thiết bị có công suất cao hoạt động cùng một lúc trong một không gian chật hẹp như case máy tính không đơn giản chỉ là gắn càng nhiều quạt càng tốt, sử dụng tản nước AIO…… thì vấn đề sẽ được giải quyết. Bài viết này sẽ chỉ ra những sai lầm thường mắc phải và những điều cần lưu ý khi thiết lập tản nhiệt cho một bộ máy tính PC.
1. Càng nhiều quạt càng tốt
Có thể nói đây là sai lầm mà nhiều người phạm phải nhất, đặc biệt là đối với những người mới lần đầu tiên xây dựng cho mình một bộ máy tính. Bởi một chiếc quạt chỉ có khả năng di chuyển không khí xung quanh nó chứ hoàn toàn không có khả năng tạo ra luồng gió. Đương nhiên càng nhiều quạt thì luồng gió di chuyển trong case máy tính càng cao và nhanh, tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều quạt chưa chắc đã cải thiện khả năng tản nhiệt, thậm chí nếu dùng quá nhiều còn có thể gây ra hiện tượng “gió xoáy” bên trong case máy, tạo nên các vùng đứng khí mà tại đó gần như không có luồng gió nào đi qua.
Sử dụng quá nhiều quạt làm mát chưa chắc sẽ đem lại hiệu năng tốt như bạn nghĩ.
Chưa kể đến vấn đề phát sinh khác như bụi và tiếng ồn không cần thiết khi sử dụng quá nhiều quạt làm mát. Cho nên việc cân bằng giữa số lượng quạt, độ ồn và luồng gió là một điều cần được xem xét đến trước tiên khi xây dựng bất kì cấu hình máy tính nào.
2. Case có kích thước càng lớn thì càng mát
Đây cũng có thể được xem là một trong những sai lầm chết người nhất, đúng là việc sử dụng case có kích thước lớn chắc chắn bạn sẽ có được một không gian thoáng hơn với sức chứa không khí lớn hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên cực kì vô nghĩa nếu như toàn bộ các quạt làm mát mà bạn sử dụng không đủ sức để di chuyển không khí bên trong hay gần như sẽ mất hoàn toàn vận tốc trước khi kịp chạm tới các linh kiện quan trọng bên trong vốn là yếu tố quan trọng trong việc thoát nhiệt.
Case càng lớn thì việc lắp đặt quạt càng phải được chú ý kĩ hơn.
Đấy là chưa nói đến hiện tượng đứng khí sẽ rất dễ dàng xảy ra, cho nên nếu như có ý định sử dụng một case máy tính có kích thước lớn, hãy chắc chắn rằng quạt làm mát mà bạn sử dụng đủ sức để di chuyển không khí trong một không gian lớn.
3. Tản nước AIO luôn đem lại hiệu năng tốt hơn tản khí
Đã từng có một thời, tôi cũng mắc phải sai lầm ngớ ngẩn này. Bởi lẽ dù có thế nào thì nguyên tắc cơ bản nhất của một bộ tản nhiệt vẫn là dẫn phần nhiệt hao phí ra khỏi linh kiện được tiếp xúc, và kể cả có sử dụng nước hay ống dẫn nhiệt đi nữa thì phần nhiệt này vẫn phải được phân tán ra môi trường xung quanh, đối với tản khí thì thông qua các lá nhôm kết nối với ống dẫn nhiệt, còn với tản nước là các lá nhôm trên tản nước.
Lợi thế lớn nhất của các bộ tản nước AIO so với tản khí là dễ dàng lắp đặt và gọn gàng.
Đương nhiên khả năng hấp thụ nhiệt của nước (hoặc dung dịch làm mát) cao hơn rất nhiều so với kim loại như đồng, nhưng đồng nghĩa việc thoát nhiệt của nước cũng chậm hơn rất nhiều so với đồng. Và cách duy nhất để khắc phục điều này là sử dụng hệ thống tản có kích thước lớn và bơm khỏe có tốc độ bơm nhanh, và đây là điều mà không có một bộ tản nước AIO nào có được. Thậm chí một bộ tản nhiệt khí dạng “dual tower” như Noctua NH-D15 hoàn toàn có thể đè bẹp ngay cả những bộ tản nước AIO mắc tiền nhất hiện nay trên thị trường.
Mặc dù có hệ thống lắp đặt phức tạp và cồng kềnh hơn so với tản nước AIO, nhưng những chiếc tản khí vẫn đem lại hiệu năng trên giá tiền tốt nhất.
4. Sử dụng Push, Pull hay cả Push và Pull
Đây là một vấn đề từng gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng, người thì cho rằng đặt quạt ở vị trí thổi (push) sẽ cho nhiệt độ thấp hơn so với quạt ở vị trí hút (pull), một số lại ý kiến rằng phải dùng cả thổi lẫn hút mới đem lại hiệu năng tốt nhất.
Đối với các tản nhiệt có độ dày lớn thì việc sử dụng cả push và pull là rất cần thiết.
Thực sự thì vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như độ dày và thiết kế của lá nhôm được sử dụng trên tản nhiệt cũng như thiết kế và khả năng tạo áp lực gió của từng loại quạt. Chẳng hạn như đối với bất kì một chiếc quạt nào có áp lực gió tốt như Noctua NF-F12, Phanteks PH-F120MP, Corsair SP120 đều hoàn toàn đủ khả năng để tạo luồng gió di chuyển qua bất kì một chiếc tản nhiệt nào có độ dày trong khoảng 2.5cm, trong khi việc sử dụng đồng thời hút và thổi sẽ phù hợp hơn trên các tản nhiệt có độ dày lớn như 6cm chẳng hạn, hoặc trên các tản nhiệt khí có 2 tháp tản nhiệt.
Đối với các tản khí dạng dual tower hoặc có độ dày lớn việc sử dụng cả push và pull cũng rất cần thiết.
Còn đối với việc nên sử dụng hút (pull) hoặc thổi (push) tôi thấy sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sở thích của từng người, và việc thay đổi vị trí của quạt cũng không có gì gọi là quá phức tạp trừ khi bạn sử dụng một bộ tản nhiệt nước custom nên quan điểm của tôi là hay cứ mạnh dạn thay đổi cho tới khi bạn hài lòng về vị trí của quạt với cấu hình hiện tại của mình.
5. Lắp tản nước AIO của CPU ở mặt trước case có thể ảnh hưởng tới nhiệt độ của card đồ họa hoặc không
Cũng tương tự như vấn đề thiết lập push hay pull trên tản nhiệt, việc có nên đặt tản nước ở mặt trước của case hay không cũng từng gây ra rất nhiều tranh cãi. Ở đây tôi sẽ không khẳng định việc đặt tản nước ở mặt trước có hay không ảnh hưởng tới nhiệt độ của card đồ họa, vì điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thiết kế của case, thiết kế tản, quạt, cấu hình bên trong case, cả CPU và card đồ họa có ép xung hay không.
Nếu như trong trường hợp vì lý do nào đấy mà luồng khí thoát ra từ tản nước có nhiệt độ cao (nguyên nhân do CPU được ép xung, công suất tiêu thụ lớn hoặc đơn gian là bộ tản nhiệt nước AIO không đủ khả năng để gánh), kết hợp với case có thiết kế hạn chế luồng gió thì khả năng rất cao lúc đó nhiệt độ của card đồ họa sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Việc đặt tản nước phía trước chưa chắc đã ảnh hưởng đáng kể tới nhiệt độ của card đồ họa.
Tóm lại, câu trả lời cho trường hợp này sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nếu cần thiết bạn có thể thay đổi vị trí của tản nước cho tới khi hài lòng với kết quả. Còn nếu như trong trường hợp mà bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt tản nước ở phía trước của case, hãy chắc chắn rằng bộ tản nhiệt nước AIO mà bạn đang sử dụng đủ sức để gánh CPU mà bạn đang dùng và ưu tiên lắp quạt có lưu lượng gió lớn ở phía sau và trên nóc để đảm bảo luồng gió bên trong case.
Còn tiếp…
From group Phong Vũ Hi-End with Love
https://www.facebook.com/groups/PhongVuHE