Smartphone Gaming – Xu hướng mới của làng công nghệ (Phần 1)

Posted by

Năm ngoái, Razer đã dẫn đầu thế giới với một sự hấp dẫn thú vị trên thiết bị smartphone gaming hàng đầu của hãng. Đây cũng chính là lúc mở ra xu hướng mới cho ngành công nghiệp điện thoại vào năm 2018. Khái niệm gaming phone hay smartphone gaming cũng bắt đầu từ đây.

Razer Phone

Hãy nói về chiếc Razer Phone trước. Rắn 3 đầu không còn xa lạ gì đối với những anh em chơi gaming gear và một vài năm gần đây và những chiếc laptop của hãng. Tuy nhiên điện thoại là lĩnh vực mới của Razer và chiếc Razer Phone chính là sự ấn tượng không hề nhỏ với bước đi đầu tiên của hãng.

Ra mắt vào tháng 11 năm 2017, được hãng trang bị hàng tá công nghệ “khủng” tính đến cả thời điểm hiện tại như màn hình LCD với tần số quét lên đến 120Hz, cặp loa ấn tượng ở mặt trước được tinh chỉnh theo tiêu chuẩn Dolby Atmos.

Tuy chỉ được trang bị con chip Snapdragon 835 mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ nhưng hiệu năng của máy vẫn rất ấn tượng khi đi kèm với thanh ram 8GB. Nhiều người sẽ cho rằng 8GB là quá thừa thãi khi mà 6GB đã là rất đủ dùng. Chúng ta hãy nhớ lại vào hồi CES 2018 Razer giới thiệu Project có tên là Linda đây là một chiếc laptop “rỗng ruột” giành cho chiếc điện thoại này nên 8GB là hợp lí để Razer Phone thành bộ não của chiếc laptop này.

Xiaomi Black Shark

Xiaomi vẫn luôn được biết đến với những chiếc điện thoại có hiệu năng rất tốt trong phân khúc cộng với viên pin dung lượng cao và màn hình lớn. Đây là những yếu tố quan trọng để chơi game trên một chiếc điện thoại.

Vào tháng 4 năm nay Xiaomi là kẻ tiếp nối đầu tiên xu hướng mà Razer đã mở ra với chiếc Xiaomi Black Shark. Vẫn với truyền thống rất “hào phóng” về cấu hình trên giá thành, Black Shark có mức giá dễ tiếp cận hơn Razer Phone rất nhiều và do chiếc máy này được ra mắt sau nên đã được trang bị con chip Snapdragon 845.

Khác với Razer Phone thì Black Shark có một ngoại hình cực kì hầm hố với những đường gân chạy dọc sườn máy và trên nắp lưng. Đây cũng là smartphone gaming đầu tiên có màn hình tỉ lệ 18:9 theo xu hướng. Do không gian phần trên và dưới khá dầy với nút home được đặt ở mặt trước. Với việc được tặng kèm theo 1 chiếc Joystick “chính chủ” thì trải nghiệm chơi game trên chiếc điện thoại này còn thú vị hơn nữa. Điểm trừ chỉ là để gắn được Joystick chắc chắn thì ta phải sử dụng ốp được tặng kèm theo máy và điều này ảnh hưởng phần nào tới khả năng tản nhiệt của máy.

Thế nhưng phân khúc của chiếc máy này lại cạnh tranh với chính chiếc Mi Mix 2s của Xiaomi cũng cấu hình tương tự nhưng cho vẻ ngoài bóng bẩy và camera xuất sắc hơn. Đây cũng chính là khó khăn chung của tất cả các smartphone gaming khi giá thành của chúng vẫn xếp chung với các flagship và những game thủ thì thường chưa có hầu bao rộng như vậy.

Sau một thời gian săn lùng rất nhộn nhịp của những tín đồ game thủ thì giờ đây chiếc Black Shark cũng không còn nổi nữa khi mới đây chính Xiaomi đã mới ra mắt chiếc Pocophone F1 với cấu hình tương tự nhưng mức giá mềm hơn rất nhiều. Chi tiết Pocophone F1 các bạn có thể xem tại đây.

Nubia Red Magic

Ra mắt cùng thời gian với chiếc Xiaomi Black Shark nhưng Red Magic thật sự không có chỗ đứng như “Cá mập đen”. Cũng có thể do là smartphone gaming nên người dùng sẽ quan tâm đến cấu hình của sản phẩm là trên hết, đây cũng chính là điểm trừ của Red Magic khi ra mắt vào tháng 4 năm 2018 mà con chip được trang bị lại chỉ là Snapdragon 835.

Ngoài việc con chip trang bị không phải tân tiến nhất thì còn lại chiếc điện thoại thật sự rất ấn tượng với thiết kế cực kì thu hút và dải led rgb chạy dọc sống lưng đẹp không tì vết. Tông màu trên chiếc điện thoại này cũng là đỏ đen khác với 2 chiếc điện thoại Razer Phone và Xiaomi Black Shark là màu đen xanh.

Thiết kế quá chất của Red Magic

Nhiều người cho rằng thiết kế của chiếc điện thoại này là sự hòa hợp giữa hai ngôn ngữ đậm chất hầm hố và thanh lịch. Mặt lưng cảm giác liền lạc hơn với những đường gân nổi và hệ thống loa với màng loa màu đỏ tạo điểm nhấn. Mức giá cho sản phẩm cũng rất hợp lí khi chỉ từ 399$ cho phiên bản thấp nhất.

Vậy đâu là lí do khiến chiếc máy này lại “mất hút” như vậy. Có lẽ là do cha đẻ của chiếc điện thoại này là ZTE lúc bấy giờ đã thật sự rất khó khăn, và chiếc Red Magic cũng không thể làm công ty Trung Quốc này vực dậy được. Mình mong rằng chiếc điện thoại này sẽ có phiên bản tiếp theo và được chào đón nhiều hơn.

Asus ROG Phone

Asus thì không phải là hãng mới bắt tay vào làm smartphone mà những chiếc điện thoại của cũng rất chất lượng cả về cấu hình lẫn giá thành. Nhưng đây là lần đầu hãng điện tử Đài Loan đem thương hiệu chơi game ROG của mình lên điện thoại. Và ROG trong làng gaming thì không thể rẻ được. ROG Phone cũng vậy, với mức giá giao động từ 800-1000$ thì thật sự chiếc điện thoại này sẽ rất kén người dùng. Phân khúc này vốn dĩ bị thống trị bởi Apple với Iphone X và Samsung với những chiếc Note 8 và S9+ lúc bấy giờ.

Asus đã mang hàng loạt những công nghệ “khủng” và hàng tá những phụ kiện cực kì chất đi kèm theo chiếc điện thoại này. Một thiết kế đậm chất gaming với logo ROG được trang bị LED rgb, có 1 khu vực tản nhiệt đặc biệt làm điểm nhấn ở mặt lưng mà hãng gọi là “buồng tản nhiệt 3D”. Điểm trừ của thiết kế có lẽ là do phải gánh bộ tản nhiệt này nên máy nặng tới 200g và dày 8.6mm.

Lần này Asus trang bị cực kì nhiều phụ kiện “độc, lạ, chất” cho đứa con cưng của mình.

Đầu tiên là phụ kiện tản nhiệt rời AeroActive Cooler với cổng sạc và jack tai nghe 3.5mm được hướng xuống dưới.

Tiếp theo là Gamvice Controller. Đây là bộ thiết bị “mở rộng” phần điều khiển của chiếc ROG Phone ra 2 cạnh bên với cần analog thực và các phím bấm vật lý.

Bộ dock rời Mobile Desktop Dock.

Và cuối cùng là phụ kiện mình thấy nổi bật nhất TwinView Dock. Thiết bị này giúp biến chiếc điện thoại chơi game này từ 1 trở thành 2 màn hình, chúng cũng nhạy và đẹp y như nhau.

 

Kết thúc phần 1 với 4 chiếc điện thoại có thể nói là dẫn đầu xu hướng Smartphone gaming với thiết kế đầy hầm hố và ấn tượng. Những công nghệ hiện đại nhất cũng đã được mang lên chúng. Có lẽ rào cản lớn nhất để tiếp cận thị trường chính là thiết kế không phù hợp với đại đa số người tiêu dùng và mức giá khá cao.

Hãy chờ đón phần 2 với những chiếc điện thoại gaming tốt nhưng cũng không quá hầm hố và phô trương…