RAZER TIAMAT 7.1 V2 GAMING HEADSET – TÁI TẠO KHÔNG GIAN ÂM THANH VÒM THỰC VỚI HỆ THỐNG 10 LOA
I. SƠ LƯỢC
Một lần chơi lớn xem thiên hạ có trầm trồ? Ok, một lần chơi lớn của Razer năm 2017 và là lần thứ 2 chơi trội: Razer Tiamat 7.1 V2. Tai nghe 7.1 âm thanh vòm thực (không phải ảo nhé) siêu khủng bố với 5 loa con mỗi bên củ tai, phiên bản nâng cấp của Tiamat 7.1 (V1) từ năm 2013 đã làm mưa làm gió thị trường. Đến tận đầu năm 2019, phiên bản True Surround gaming headset này vẫn chưa có đối thủ cạnh tranh về công nghệ.
Tiamat là tên gọi của thần Rồng 5 đầu trong thần thoại Lưỡng Hà, những gì yên bình nhất ban đầu và những gì hỗn loạn nhất về sau cho thế giới đều do nữ thần Rồng này đem lại. Razer đã gửi gắm cái tên Tiamat vào dòng tai nghe True Surround Razer Tiamat 7.1 để ám chỉ 5 “đầu rồng” ở mỗi bên tai và “sự hỗn loạn” mà dòng tai nghe này mang lại cho thế giới gaming. Cũng như theo thần thoại Lưỡng Hà, Tiamat bị giết bởi Marduk và chặt xác ra làm 2 phần, cũng chính từ bàn tay Marduk lấy 2 phần xác này tạo ra Trời và Đất. Nếu ví Razer Tiamat 7.1 (V1) là “Đất”, thì chắc hẳn Razer Tiamat 7.1 V2 chính là đại diện cho “Trời”.
Vậy Razer Tiamat 7.1 V2 có những gì qua những thông điệp đó từ Razer?
II. THÔNG SỐ CƠ BẢN
Âm thanh vòm thực với tổng 10 loa hai bên.
Loa trầm:
- 40mm bọc Titanium với nam châm Neodymium
- Tần số đáp ứng: 20 Hz – 20.000 Hz
- Trở kháng: 16 Ω
- Độ nhạy @ 1 kHz: 118 dB ± 3dB
Loa trước:
- 30mm với nam châm Neodymium
- Tần số đáp ứng: 20 Hz – 20.000 Hz
- Trở kháng: 32 Ω
- Độ nhạy @ 1 kHz: 118 dB ± 3 dB
Loa sau:
- 20 mm với nam châm Neodymium
- Tần số đáp ứng: 20 Hz – 20.000 Hz
- Trở kháng: 32 Ω
- Độ nhạy @ 1 kHz: 118 dB ± 3 dB
Loa trung tâm:
- 30 mm với nam châm Neodymium
- Tần số đáp ứng: 20 Hz – 20.000 Hz
- Trở kháng: 32 Ω
- Độ nhạy @ 1 kHz: 115 dB ± 3 dB
Loa cạnh:
- 20 mm với nam châm Neodymium
- Đáp ứng tần số: 20 Hz – 20.000 Hz
- Trở kháng: 32 Ω
- Độ nhạy @ 1 kHz: 118 dB ± 3 dB
Phụ kiện:
– Nắp nhựa che củ tai
– Sách hướng dẫn
III. TỔNG QUAN & CHI TIẾT THIẾT KẾ
Vào năm 2013, Razer lần đầu tiên đã cho ra đời phiên bản Razer Tiamat 7.1 (V1) với tổng 10 loa 2 bên tai cho âm thanh vòm tái tạo không gian cực kỳ chân thực và không có đối thủ cạnh tranh công nghệ ở thời điểm đó. Năm 2017 là phiên bản Razer Tiamat 7.1 V2 cải tiến cả về mẫu mã lẫn chất lượng âm thanh. Trước hết, chúng ta hãy cùng so sánh thiết kế mới ở phiên bản V2 có những gì vượt trội đặc biệt so với V1.
Khung đầu kim loại
Đầu tiên phải nhắc đến ngay chi tiết tệ hại mà phiên bản 2013 bị game thủ ném đá không thương tiếc: Khung đầu của tai nghe hoàn toàn làm bằng nhựa! Thì nay với phiên bản V2 đã có khung đầu bằng nhôm nhìn khá sang trọng và đàn hồi tốt. Quan trọng hơn cả ở chi tiết này là đem lại cảm giác yên tâm cho người dùng khi không phải lo lắng “liệu nó có gãy không” ở phiên bản tiền nhiệm. Khu vực đệm đầu cũng được thiết kế lại thành bề mặt phẳng và mềm, sẽ là tốt hơn khi game thủ chúng ta không bị cảm giác “cấn” như các đệm nổi ở phiên bản V1. Đệm lưới cũng là một ưu điểm cần nói tới khi cho cảm giác thoáng mát, không bị tích mồ hôi “ướt sũng” như thiết kế của các loại đệm da.
Razer Tiamat 7.1 V2 gaming headset
Razer Tiamat 7.1 V1 gaming headset
“Khoe” loa tinh tế
Thứ hai cũng phải nhiệt liệt khen ngợi Razer với thiết kế cuối năm 2017: Bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ một Logo led Razer nào ở trên Razer Tiamat 7.1 V2 như cái cách hơi phô trương ở phiên bản V1. Razer đã bắt đầu có một sự tinh tế nhất định khi đặt đèn nền ở phía sau các loa con mỗi bên housing (buồng chứa loa), từ đây khi chúng ta nhìn vào phía trong qua tấm mica màu tối sẽ thấy những loa con sáng lên nổi bật. Củ tai Razer Tiamat 7.1 V2 lúc này cho chúng ta cảm thấy có một không gian rất rộng chứa cả một “bầu trời công nghệ” ở trong mà một phần là nhờ chính các đèn nền phía sau hắt ánh sáng lên tạo hình khối.
Đối với thế giới gaming headset, thiết kế housing này của Razer Tiamat 7.1 V2 cũng như V1 vẫn là độc nhất vô nhị, thừa sự tinh tế để có thể nhận diện mạnh mẽ về thương hiệu và phong cách gửi gắm vào từng thiết bị phục vụ thế giới chơi game của Razer.
Microphone gọn gàng nhưng chưa đủ “hi-end”
Razer Tiamat 7.1 V2 gaming headset – microphone
Cái cách mà Razer thiết kế microphone tích hợp cho Tiamat vẫn luôn tiện lợi như thế, vì khi sử dụng chỉ cần hạ xuống và gập lên, không phải lo mỗi lần tháo tai nghe đặt xuống bàn bị cong gập mic, hay gây vướng khi thói quen của các game thủ tryhard là ăn uống tại bàn 😀 Tuy nhiên nếu nhìn lại ngoại hình microphone đời Tiamat 7.1 V1 có nhiều đường vát sắc nhọn “dữ tợn” và có thể kéo dài, có khi chúng ta sẽ ước gì Razer dùng lại thiết kế đó, nó quá đẹp!
Razer Tiamat 7.1 V1 gaming headset
Đệm mút da có lõi dày tạo không gian rộng
Thay vì thiết kế đệm tai tròn như đa số các tai nghe khác, Razer Tiamat 7.1 V2 giữ nguyên thiết kế đệm vuông dày từ thời V1, chỉ hơi khác một chút về độ bo góc.
Củ tai có thể xoay
Củ tai có thể xoay hai chiều, một chiều 90° và một chiều khoảng 25°. Tính năng này có sự tiện lợi gì? Tôi sẽ mô tả chi tiết ở Phần V. TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ.
Bảng điều khiển tích hợp
Thiên hạ hay gọi đây là cái “soundcard”, tuy nhiên tôi cần đính chính lại Razer Tiamat 7.1 V2 không có soundcard mà hoàn toàn sử dụng Analog, là tín hiệu gốc được kết nối bởi 4 jack 3.5mm ( cộng 1 jack màu hồng là microphone như bao tai nghe có mic khác) vào mainboard của PC. 1 dây USB riêng có chức năng chính là nuôi led RGB ở phía trong housing và để phần mềm Razer Synapse nhận diện đồng thời điều khiển Tiamat 7.1 V2 bằng giao diện trên màn hình.
Chi tiết nhận diện thương hiệu
Từ khi Logo Razer được thiết kế lại theo xu hướng đơn giản hơn, tinh tế hơn thì những sản phẩm của Razer cũng có được ngoại hình mang tinh thần đó. Về tổng quan, nếu bạn là Razer fanboy ngay từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” cạnh tranh khốc liệt với Logitech ở thị trường Việt Nam những năm 2004-2005, bạn sẽ thấy thay vì những chi tiết có tính diêm dúa một thời, Razer Tiamat 7.1 V2 có những đường nét khá là cổ điển của một tai nghe nói chung, pha vào đó vẫn là chi tiết điểm nhấn về củ tai khoe các driver nhỏ một cách đẹp-độc mà không một gaming headset nào trên thị trường có được.
Mở nắp mica soi buồng chứa loa Razer Tiamat 7.1 V2
Ngắm lại Razer Tiamat 7.1 V1 một tí này
Hưởng thụ cái đẹp đủ rồi nhỉ, bây giờ chúng ta cần vọc vào cái mà Razer luôn tham vọng đi trước thiên hạ: Tính năng và công nghệ.
IV. TÍNH NĂNG & CÔNG NGHỆ
Phía sau bảng điều khiển là 4 cổng kết nối phục vụ thêm loa ngoài
Có khi nào bạn thấy phiền khi cứ phải click vào biểu tượng sound ở góc màn hình để chuyển thiết bị âm thanh? Tất nhiên là phiền rồi. Với nhu cầu có thể nói là phổ thông thời bây giờ, chúng ta vẫn thường sử dụng loa ngoài để nghe nhạc và sử dụng tai nghe để chơi game. Nắm bắt nhu cầu đó, ở phía sau bảng điều khiển tích hợp của Razer Tiamat 7.1 V2 được đầu tư 4 cổng phục vụ các jack 3.5mm để phục vụ được cả các hệ thống loa 5.1, 7.1 bên cạnh các hệ thống loa Stereo. Khi chuyển đổi giữa loa và tai nghe, chỉ cần bấm nút giữa là xong. Quá tiện!
Cùng trên bảng điều khiển này, chúng ta có thể điều chỉnh riêng âm lượng của từng loa Center, Front, Sub, Side, Rear, (và cả microphone) bằng núm vặn nhỏ chỉ định phía trên. Đáng tiếc là khu vực núm vặn này không có led nên khá khó nhìn trong môi trường thiếu sáng. Lưu ý là để chỉnh được riêng âm lượng của từng loa con, chúng ta cần kích hoạt âm thanh vòm 7.1 bằng nút bấm nhỏ dưới cùng bên phải trên bảng điều khiển.
Phía dưới là núm vặn lớn điều chỉnh âm lượng được báo mức âm lượng bằng đèn led. Để tắt tiếng tạm thời, ta ấn núm vặn này xuống như một nút bấm, lúc này biểu tượng tắt âm thanh ngay phía bên dưới sẽ sáng lên. Hơi dở là nút mute này bấm khá cứng và nặng, trải nghiệm không được thoải mái cho lắm.
Nút nhỏ cuối cùng cần được nhắc tới vị trí dưới cùng bên trái có chức năng tắt microphone để tránh những pha vô tình “lảm nhảm” khiến đồng đội muốn ném gạch 😀
V. TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
SỬ DỤNG
Củ tai có thể xoay
Chiều xoay ngang của củ tai khá tiện lợi khi ta cần hạ tai xuống cổ tạm thời, không bị độ dài gây vướng cằm. Chiều còn lại có thể xoay khoảng 25° để có thể vừa vặn hoàn toàn với vị trí tiếp xúc trước và sau tai, giúp cho áp lực từ lực kẹp khung tai nghe lên hai bên đầu được dàn đều. Từ đó bạn sẽ không có cảm giác phía trước bị áp lực mạnh hơn phía sau, sử dụng trong thời gian dài không bị gây mỏi.
Đệm dày và có độ mềm hoàn hảo
Dù vành tai bạn nhỏ hay to thì không bao giờ phải lo với Tiamat 7.1 V2 do không gian chứa rất rộng. Nhờ không gian này, thiết kế cách âm kín sẽ không gây áp lực không khí lên màng nhĩ quá nhiều gây ù tai khi sử dụng. Ngoài ra, tuy với khung đầu cố định, đệm tai vẫn có chiều dài khá thoải mái để phục vụ mọi kích thước vòm đầu của gamer, không có cảm giác kích vành tai khi đeo.
Khối lượng vừa phải
Đối với một tai nghe có tới 10 loa thực ở hai bên cùng với khung nhôm vốn nặng hơn khung nhựa, ai cũng sẽ nghĩ Tiamat 7.1 V2 sẽ rất nặng. Trên thực tế khối lượng lại khá là vừa phải do một phần có nhiều chi tiết nhựa, một phần bám chắc vào đầu nhờ lực kẹp và củ tai cùng đệm tai kết hợp rất tối ưu.
ÂM THANH
Khá thất vọng khi ở chế độ Stereo, Razer Tiamat 7.1 V2 cho một kiểu âm thanh thiếu chi tiết, bass lấn khá nhiều vào dải mid và chi tiết nói chung ở mid khá kém giống cái cách mà phiên bản V1 của năm 2013 đã thể hiện. Giả sử chúng ta chơi game FPS ở chế độ Stereo này, tiếng bước chân sẽ bị bass lấn đi rất nhiều và có dấu hiệu chùng xuống chứ không nổi lên để chúng ta có thể nghe rõ ràng. Khi dải mid mất đi chi tiết, việc nghe nhạc cũng sẽ khá là khó khăn nếu không muốn nói thẳng: Razer Tiamat 7.1 V2 nghe nhạc khá tệ!
Với chế độ 7.1 âm thanh vòm thực, dải âm cao (treble) được đẩy lên khá nhiều, và dải âm trầm (bass) gần như không xuất hiện. Ở chế độ này có thể nói chất lượng khá tệ để nghe nhạc, xem phim, tuy nhiên nếu để phục vụ riêng cho dòng game FPS thì lại là một chất lượng vượt bậc.
Sự khác biệt giữa âm thanh vòm 7.1 ảo và âm thanh vòm 7.1 thực là quá xa. Khi chúng ta trải nghiệm âm thanh vòm ảo, việc tái tạo âm thanh ở trong một không gian rộng cho vị trí âm thanh không chuẩn, hoặc không rõ ràng. Hầu hết các loại 7.1 ảo luôn cho âm thanh xung quanh khá mờ nhạt, game thủ sẽ rất khó xác định footstep địch khi nghe ở chế độ này. Ngay cả với một tai nghe Stereo gaming tốt như HyperX Cloud Revolver khi kết nối với Sennheiser GSX1000 Gaming Amplifier (một trong những nhân tố cho chất lượng 7.1 ảo tốt nhất thế giới gaming) cũng khó có thể xác định chính xác nguồn âm, hay nói cách khác là âm hình bị “méo mó”.
Ngược lại, đối với Razer Tiamat 7.1 V2, điều mà vượt trội hơn các loại tai nghe gaming Stereo đó là xác định được khoảng cách nguồn âm phát ra ở chính diện khá chính xác. Razer Tiamat 7.1 V2 lại khá dễ dàng nhờ dàn loa con hùng hậu. Tiếp đến, những pha địch chạy ở cầu thang (nguồn âm chéo) hay chạy trên tầng, không khó để dàn loa 7.1 này có thể bắt dính. Túm cái váy lại hệ thống âm thanh này cho chúng ta sự kinh ngạc tuyệt đối.
Đến đây tổng kết thôi nhỉ.
VI. TỔNG KẾT.
Đắt, đẹp, độc, cùng nhiều ưu điểm, nhưng nhược điểm cũng chẳng kém. Razer như một tên “trẩu” lắm tài nhiều tật, xưa giờ vẫn thế chẳng có gì thay đổi.
Ưu điểm
- Thay thế bằng khung nhôm so với bản đời đầu, lực kẹp rất vừa phải đủ để giữ chặt trên đầu mà không gây áp lực quá mạnh.
- Đệm tai mềm đàn hồi tốt, hỗ trợ cùng lực kẹp hoàn hảo cho trải nghiệm sử dụng thoải mái trong thời gian dài, đồng thời giữ khả năng cách âm cao.
- Củ tai xoay tiện lợi tạo sự thoải mái, không gây hiện tượng áp lực dồn hẳn lên phía trước tai như các thiết kế cố định.
- Bảng điều khiển tích hợp tiện lợi, có thể chỉnh âm lượng riêng cho từng loa con.
- Buồng chứa loa thẩm mỹ cao, đèn led nền tạo hình khối nổi bật cho các loa con cho một ngoại hình hiện đại, nhận diện thương hiệu Razer một cách độc nhất vô nhị.
- Khối lượng không hẳn là nhẹ nhưng nhờ những ưu điểm hỗ trợ ở trên, game thủ sẽ không cảm thấy mỏi khi sử dụng trong thời gian dài.
- Vì là âm thanh vòm thực nên bắt vị trí âm thanh khá chính xác, phục vụ rất tốt cho các game FPS.
Nhược điểm
- Chất lượng âm thanh vẫn kém sau nhiều năm phát triển, tệ như cái cách Tiamat 7.1 phiên bản đời đầu đã thể hiện. Có thể chơi game tốt nhưng khó có thể nghe nhạc.
- Chỉ có thể sử dụng tối ưu với các thiết bị hỗ trợ 7.1 Analog (mà ngay từ đầu Razer đã có ý “dí” cho PC).
- Nắp mica bên củ tai dễ xước nếu không chú ý bảo quản.
- Giá quá cao!
Ngoài ra, nếu anh em nào còn chưa biết cắm jack nào vào lỗ nào thì ta giở sách hướng dẫn đi kèm ra coi nha! Mấy con main mà không có màu trùng với dây thì ta đọc ký hiệu ở mỗi lỗ cắm nha. Have fun 😀
From group Phong Vũ Hi-end with Love
https://www.facebook.com/groups/PhongVuHE