,

Hướng dẫn lựa chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu cụ thể

Posted by

Hàng trăm loại chuột chơi game ra đời và làm game thủ thời nay choáng ngợp. Không như khoảng thời gian cách đây 4 năm khi mà lựa chọn vẫn còn không nhiều, mỗi chuột chơi game của từng hãng đều có cá tính riêng.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game Ducky Secret M (size M) và Ducky Secret (size L) – vỏ bằng nhựa PBT

Chuột chơi game phổ thông thời nay để mà nói đa số na ná nhau cả, hãng nọ học hãng kia, thậm chí là cố tình copy lại thiết kế một cách lộ liễu, người dùng thì cứ loay hoay giữa một rừng quảng cáo chẳng biết thế nào là hợp. Với kinh nghiệm loay hoay mảng này đã sang năm thứ 13, tôi có vài hướng dẫn và lời khuyên xương máu để chia sẻ, đảm bảo đã chọn là ngon.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu

Lựa chọn hình dáng, kích thước và khối lượng phù hợp tay.

Hiện tại, có 3 kiểu cầm cơ bản phổ biến được gọi tên: Palm Grip, Fingertip Grip, Claw Grip.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Các kiểu cầm nắm phổ biến của chuột chơi game – Nguồn: Internet

Palm Grip là thói quen ôm chuột bằng toàn bộ lòng bàn tay, những loại chuột ergonomic (công thái học) dành cho tay phải để phục vụ kiểu cầm này. Điển hình như: Zowie EC, Razer Deathadder, Steelseries Rival, Asus Gladius,… Việc tìm kiếm là khá đơn giản vì ergonomic mouse đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường theo nhu cầu số đông. Anh em chỉ việc chú ý về kích thước chuột có vừa với lòng bàn tay mình không, đồng thời khối lượng cảm thấy vừa đủ hay không. Ngoài ra, ergonomic cho tay phải có điểm chung là lõm bên hông trái, lồi bên hông phải. Lúc này, tay chúng ta (cụ thể là ngón cái) khá dễ thoả hiệp với độ lõm bên trái, nhưng ngón áp út và ngón út thì sẽ có sự kén chọn với độ lồi ra ít hay nhiều bên hông phải (do thói quen co vào hoặc duỗi ra của 2 ngón này). Do đó khi chọn chuột chơi game hay để ý kỹ chi tiết này.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Hông bên phải của Steelseries Rival 310 nhô ra khá nhiều về đuôi

Claw Grip, một kiểu cầm chuột hầu hết chỉ bằng tiếp xúc 5 đầu ngón tay (có trường hợp sẽ tiếp xúc thêm một chút lòng bàn tay gần cổ tay). Thông thường các chuột ambidextrous (cân đối) dành cho kiểu cầm này và chúng ta thì cứ mặc định đã cầm claw grip là phải xài chuột cân đối. Thật sự đó là một quan niệm sai lầm, vì nhu cầu của từng người mới là vấn đề gốc rễ. Có người cầm Claw Grip xài chuột cân, nhưng có người cầm Claw Grip xài chuột ergonomic (như tôi chẳng hạn). Vấn đề thói quen của ngón áp út và ngón út như đề cập ở trên sẽ ảnh hưởng đến việc bạn dùng chuột thiết kế nào. Người dùng Claw Grip sẽ khá mỏi tay khi tryhard game thời gian dài, thế nên khi test anh em nên test càng lâu càng tốt, để biết chuột có phát sinh sự khó chịu nào không.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu

Fingertip Grip là kiểu cầm duỗi ngón tay nhưng lòng bàn tay không ôm lấy thân chuột. Một số game thủ có thói quen sử dụng cả kiểu cầm Claw Grip lẫn Fingertip Grip trong suốt quá trình tryhard vì cách cầm khá giống nhau. Kiểu cầm này lại ít kén dáng chuột ambidextrous hay ergonomic, mà chủ yếu là chọn kích thước và độ cao lưng chuột vừa phải với tay.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game – Vị trí tiếp xúc của các kiểu cầm nắm – Nguồn: Internet

Hàng trưng bày hiện đang có sẵn rất nhiều ở các showroom Phong Vũ, đừng ngần ngại khi yêu cầu test hết tất cả các chuột chơi game đang trưng bày. Chuột dù ngon đến mấy mà dáng cầm và khối lượng không phù hợp thì mọi thứ trời bể đều vô dụng. Nhu cầu sử dụng là của riêng mỗi người, đừng để nhu cầu người khác áp đặt lên lựa chọn thích hợp của mình.

Chắc chắn không có gì là hoàn hảo, chúng ta cần cân đối những điểm phù hợp và không phù hợp. Ví dụ như chuột có nhiều ưu điểm phù hợp với bản thân mà lại cho cảm giác nặng hơn một chút không đáng kể, trong khi anh em chơi game FPS thay vì RTS, MOBA (vốn phải lia chuột liên tục) thì hãy cố gắng loại trừ nhược điểm đó. Kiên nhẫn làm quen để biến nhược điểm thành không có gì, mọi ưu điểm kia ta sẽ được hưởng trọn vẹn.

 

Lựa chọn cảm biến (mắt đọc) phù hợp cảm giác di chuyển.

Đây là sự thật của một tên cày game kinh nghiệm chia sẻ cho bạn, mắt đọc chuột không phải loại nào cũng cho cảm giác giống nhau, tốc độ giống nhau. Để ví dụ một góc trong thế giới này, tôi chia thành các nhóm gồm hãng phổ biến để anh em game thủ dễ hình dung:

Trong đó, đối với cảm nhận riêng của tôi thì Corsair/Roccat là dạng khó làm quen nhất khi tryhard, các loại biến thể Pixart PMW3361, 3367 thực sự không giống với đa số các loại còn lại. PMW3366 của Logitech là một dạng khá thân thiện với người dùng, không ngạc nhiên khi chuột Logitech lại được chuộng ở nhiều quốc gia. Razer/Gigabyte đi theo hướng riêng khi một số chuột sử dụng PMW3389, cũng là một dạng mắt đọc cao cấp thân thiện sử dụng nhưng cho cảm giác hơi khác so với dòng PMW 3360/3366. Steelseries/Zowie/Asus trung thành với các phiên bản gốc như PMW3310, PW3360, và chỉ có riêng các thể hệ chuột chơi game đời sau của Steelseries biến thể lại PMW3360 thành TrueMove3 (về cảm giác sử dụng giống y PMW3360 gốc).

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Roccat Kone Pure – chuột chơi game sử dụng cảm biến Pixard PMW3361

Tôi chưa đủ thời gian test kỹ PMW3361 và PMW3367 xem có gia tốc hay không, nhưng với cảm nhận đầu tiên, để tìm kiếm độ chính xác ở tốc độ lia chuột nhanh, tôi thật sự không thấy 2 loại cảm biến này có sự thân thiện. Trong khi đó PMW3389 sẽ cho tốc độ hơi khác nếu thân chuột không thẳng mà hơi chéo khi di chuyển, điều mà hiếm khi thấy ở các loại PMW 3310, 3360, 3366 hay Mercury, HERO. Để kiểm tra sự phù hợp, các bạn hãy tham khảo kinh nghiệm trên và test theo cảm giác tay và thói quen sử dụng của mình để có kết quả chuẩn xác nhất.

 

Kiểm tra chất liệu vỏ chuột.

Rất quan trọng vì một là nó sẽ đánh giá khả năng bám dính lấy tay bạn tới đâu, hai là vỏ nút bấm sẽ đàn hồi tới đâu.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game Asus Gladius II, Steelseries Rival 600, Zowie EC1-B CS:GO.

Với thiết kế cũ, hai bên hông chuột thường sẽ là vật liệu nhựa nhám hoặc phủ một lớp nhung để hút mồ hôi, tăng ma sát. Để phát triển mẫu mã mới và cạnh tranh lẫn nhau, thiết kế mới của nhiều loại chuột sử dụng cao su chống trượt. Nhưng đa phần lớp cao su này chỉ có thể tạo ma sát với tay khô, còn tay mồ hôi dầu thì siêu tệ hại (cần phải vệ sinh liên tục để tăng độ bám). Cho đến nay, lớp vật liệu chống trượt mà tôi cảm thấy tốt nhất cho mọi loại tay mồ hôi là silicone có ở Steelseries Rival 310/Sensei 310.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Lớp cao su tổng hợp bên hông trái chuột chơi game Mionix Castor sẽ khá trơn khi tay mồ hôi dầu

Thời điểm nào cũng có ngoại lệ, trung thành với cách chế tạo vỏ truyền thống vẫn có các mẫu chuột chơi game của Logitech, nhưng phải công tâm nhận xét rằng vỏ nhám bên hông của các loại chuột chơi game Logitech (dòng G) rất bền theo thời gian. Loại nhựa này bền vượt trội cả về độ nhám lẫn chống bám bẩn.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game Logitech G502 Proteus Spectrum sử dụng vỏ nhám bên hông theo truyền thống

Loại vật liệu cũ hơn thuộc thiết kế cách đây nhiều năm là phủ một lớp nhung để thấm mồ hôi đồng thời tăng ma sát. Nhược điểm rõ rệt của lớp phủ này là sẽ mòn khá nhanh khiến chuột xuống mã, nhất là đối với các chuột màu trắng thì không thể cứu chữa ngoại hình. Tuy nhiên tác dụng chống trơn trượt có thể nói là rất mạnh.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game Roccat Kova 2016 có vỏ phủ nhung khá dày

Về việc đàn hồi của nút bấm

Logitech luôn làm nút bấm tách riêng với vỏ ốp (mà tôi hay gọi là tách khối) cùng với lẫy đẩy độc quyền bên dưới để tạo lẫy đàn hồi cho nút nhẹ hơn, hành trình dứt khoát hơn. Thiết kế này hợp thì sẽ ngon, không hợp thì sẽ thành dở, tuỳ vào nhu cầu game thủ. Các hãng khác cũng có một số mẫu làm nút bấm có vỏ tách riêng và cho đàn hồi tốt hơn hẳn, bên cạnh một số mẫu vẫn giữ thiết kế liền khối truyền thống.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game Logitech G102 Prodigy RGB có nút bấm tách khối
Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Thiết kế lẫy đàn hồi nút bấm độc quyền của Logitech

Theo lý thuyết cơ bản, các chuột dành riêng cho game bắn súng (FPS/TPS) cần có nút nặng hơn một chút để tránh cướp cò, trong khi đó các chuột dành cho game chiến thuật nói chung (RTS, MOBA) hay game nhập vai (RPG) cần nút nhẹ để spam click liên tục. Nhưng như đã nói từ đầu, vấn đề gốc rễ vẫn là nhu cầu của từng người, do đó các bạn chỉ nên tham khảo lý thuyết này để theo cơ sở lựa chọn chuột chơi game phù hợp với bản thân.

Thêm một kinh nghiệm nữa, vấn đề nặng nhẹ của nút bấm còn phụ thuộc vào vị trí ngón tay bấm xuống. Kiểu cầm Claw Grip, Fingertip Grip thì sẽ hay bấm vào giữa nút hoặc phía cao nhất của nút, Palm Grip thì hay bấm ở vị trí thấp nhất sát đầu chuột (nếu size chuột vừa đủ với tay). Thế nên như Zowie EC1-B mà tôi từng sử dụng sẽ cho tôi cảm giác nút bấm hơi nặng do kiểu cầm Claw Grip, và vị trí bấm của tôi là vị trí cao nhất của nút. Trong khi đó đối với ai cầm Palm Grip và bấm vị trí sát đầu chuột, EC1-B lại cho lực bấm và độ đàn hồi phục vụ game bắn súng cực kỳ hoàn hảo.

Kinh nghiệm chọn chuột chơi game phù hợp nhất với từng nhu cầu
Chuột chơi game Zowie EC1-B CS:GO cùng với Zowie EC1-B classic, Asus Gladius II.

Các kinh nghiệm đều được tôi đúc rút khi test khá kỹ lưỡng việc lia chuột ở tốc độ cao trong các game RTS như Starcraft, Warcraft và game bắn súng như CS:GO, Overwatch hay PUBG. Nếu nhu cầu của bạn không thực sự quá cao, hãy xác định được chính xác thông tin nào phù hợp với bạn để không bị ảnh hưởng tới cảm giác sử dụng thực tế.

Good luck & Have fun!

Review & Photo: Lê Hạo Nguyên
From Phong Vũ Hi-End with Love
Fanpage: https://www.facebook.com/PhongVuHE/
Group: https://www.facebook.com/groups/PhongVuHE/