Smartphone cao cấp Mate 30 của Huawei sắp ra mắt sẽ không có Android và các dịch vụ cốt lõi như Google Maps, Play Store hay YouTube.
Theo báo cáo từ hãng thông tấn Reuters, Huawei có thể phải đối mặt với một rào cản lớn cho mẫu điện thoại hàng đầu tiếp theo của mình: Chiếc Huawei Mate 30 sẽ không còn có các ứng dụng và dịch vụ của Google được cài sẵn, do lệnh cấm của Nhà Trắng. Điều đó có nghĩa là, Huawei Mate 30/30 Pro và có lẽ, các thiết bị sắp ra mắt khác như chiếc Mate X màn hình gập, sẽ bị hạn chế các tính năng, dịch vụ quan trọng khi ra mắt.
Tuần trước, Mỹ ra tuyên bố tạm thời để các công ty nước này tiếp tục làm ăn với Huawei nhưng phải xin phép từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, sau khi nhận được 130 đơn yêu cầu, ông Donald Trump vẫn chưa cấp bất kỳ giấy phép bán hàng nào.
Reuters nhận định, Huawei vẫn có thể sử dụng phiên bản mã nguồn mở của Android, nhưng hệ sinh thái ứng dụng của Google, trong đó có kho Play Store, chỉ có thể hoạt động trên điện thoại Huawei ở châu Âu nếu hai bên ký hợp đồng mua bán quyền sử dụng (ở các thị trường khác ngoài châu Âu, nhà sản xuất thiết bị không phải trả phí bản quyền Android).
Các mẫu điện thoại của Huawei chắc chắn sẽ vẫn chạy Android, phiên bản mã nguồn mở miễn phí. Tuy nhiên, Google xác nhận với phóng viên báo The Verge rằng bộ đôi Mate 30 và Mate 30 Pro, ra mắt vào ngày 18/9 tới sẽ không có các dịch vụ đi kèm của Google như Gmail, YouTube hay cửa hàng ứng dụng Google Play.
Điều này sẽ khiến hai thiết bị hàng đầu của Huawei gặp bất lợi, bởi các ứng dụng và dịch vụ của Google vô cùng quan trọng trên các mẫu di động ngày nay, tờ The Verge nhận định. Richard Windsor – chuyên gia phân tích độc lập nêu quan điểm: “Không có dịch vụ Google, không ai mua thiết bị cả”.
Về phần mình, Huawei vẫn khẳng định muốn tiếp tục sử dụng nền tảng Android của Google trên các mẫu smartphone của hãng, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ chính phủ Mỹ có cho phép hay không.
“Huawei sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng Android và hệ sinh thái này nếu chính phủ Mỹ cho phép chúng tôi làm điều đó. Ngược lại, chúng tôi sẽ phải tiếp tục phát triển hệ điều hành và hệ sinh thái của riêng mình”, phát ngôn viên của Huawei, Joe Kelly, cho biết.
Đầu tháng 8 Huawei đã giới thiệu Harmony OS, một hệ điều hành do riêng mình phát triển, được xem là một sự thay thế cho nền tảng Android của Google. Tuy nhiên, Harmony OS không chỉ dành riêng cho smartphone mà cho nhiều thiết bị khác nhau, từ smart TV, xe tự lái lẫn các thiết bị IoT. Sản phẩm đầu tiên sử dụng Harmony OS được Huawei trình làng là một chiếc smart TV.
Huawei cho biết vẫn chưa sẵn sàng để mang nền tảng Harmony OS lên smartphone, tuy nhiên, với động thái mới, có lẽ Huawei cần phải cấp bách hơn trong việc sớm sử dụng Harmony OS trên các mẫu smartphone của mình.
Leo lên tốp đầu thị trường smartphone toàn cầu vài năm gần đây nhờ phần cứng chất lượng, trong đó châu Âu là thị trường quan trọng. Tuy nhiên, lệnh cấm từ Mỹ đã giáng đòn mạnh vào Huawei trên thị trường nước ngoài. Sau lệnh cấm, thị phần smartphone của Huawei ở đây giảm từ 24,9% xuống còn 19,3% trong quý II/2019 theo Counterpoint Research.
Trả lời