Cấu tạo công nghệ và thông số có trong các loại gaming mouse (Phần 1)
Có lúc nào anh em tự hỏi: Những con chuột gaming của chúng ta đang sử dụng có gì đặc biệt mà lại chia ra thành nhiều phân khúc công nghệ, và những thông số họ quảng cáo rầm rộ để marketing là như thế nào? Qua nhiều năm không có sự thay đổi nhiều về cách thức hoạt động nhưng đa phần chúng ta đều không rõ có những gì bên trong. Bài viết này sẽ chia sẻ tới các bạn những thứ phức tạp nhất bằng một cách diễn giải dễ hiểu nhất. Hãy chia sẻ nếu bài viết có ích để ủng hộ tác giả nhé 😀 Nào bắt đầu.
Cách thức hoạt động của cảm biến chuột
Mắt đọc, hay chuẩn tên gọi kỹ thuật của hắn là cảm biến (sensor), đa phần là có cách thức hoạt động giống nhau: Hệ thống thu thập hình ảnh (IAS – image acquisition system) sẽ “chụp” lại hình ảnh bề mặt khi chúng ta di chuyển chuột với số lượng lên tới hàng nghìn hình ảnh trong một giây (frames per second). Sau đó lượng hình ảnh này sẽ được xử lý qua vi xử lý kỹ thuật số (digital system processor) nhằm xác định 2 giá trị (delta) Δx/Δy thông qua hướng và cường độ của chuyển động. Tới đây, các bộ điều khiển MCU (microcontroller unit) sẽ chuyển lượng thông tin này tới máy tính của chúng ta thông qua tín hiệu USB hoặc PS/2.
ASUS Gladius II sensor (PixArt PMW3360)
(Δx/Δy là giá trị ở giữa các toạ độ trong không gian phẳng, một điểm trong không gian sẽ được xác định bằng toạ độ X – phương ngang và toạ độ Y – phương dọc. Ở đây, chuột sẽ dùng ít nhất 2 điểm có toạ độ cũ và toạ độ mới để xác định hướng di chuyển và tốc độ di chuyển).
Nói thêm một chút về sự khác biệt cảm biến quang học và cảm biến laser, tất nhiên ai cũng sẽ hiểu laser sensor là một cái gì đó có công nghệ cao cấp hơn optical sensor, nhưng trên thực tế sử dụng cho gaming đây lại là một công nghệ không thực tiễn. Tại sao thì khá dễ hiểu, laser là ánh sáng hội tụ mạnh, cảm biến laser “đọc” bề mặt cực kỳ chi tiết nên nếu mousepad không phải là loại bề mặt tiệm cận sự hoàn hảo, cảm biến laser sẽ “bắt lỗi” được rất nhiều và nhảy múa như lên đồng. Đó là lý do vì sao nhiều game thủ từ rất lâu đều khuyên nếu sử dụng chuột laser sẽ cần một chiếc pad cứng cao cấp (gaming hardpad) để bề mặt được đồng đều nhất, không có độ thưa giữa các sợi như bề mặt vải. Chưa kể laser sensor còn phát sinh gia tốc không thể khử do chính phần cứng gây ra.
Không phải cứ nhìn vào thông số của cảm biến chuột thì tất cả đều có chất lượng hoàn toàn như nhau, có rất nhiều thứ khác ảnh hưởng tới chất lượng đọc của cảm biến như chất lượng cấu tạo, thấu kính cảm biến (lens), firmware điều khiển,… Nhưng ít nhiều đều có điểm tương đồng với nhau.
Gia tốc chuột (Acceleration)
Possitive/negative acceleration (gia tốc dương/gia tốc âm), thực tế đây là lỗi ở quá trình “đọc” giá trị Δx/Δy của cảm biến. Lỗi này lại do cấu trúc phần cứng cho nên ko có cách nào để tắt cũng như khử hoàn toàn lỗi này cả. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều tới những game thủ yêu cầu tỉ lệ quét bề mặt hoàn hảo là 1:1. Gia tốc tỉ lệ thuận theo tốc độ di của chuột, do đó với những game bắn súng tiết tấu nhanh, mỗi pha vẩy chuột mà luôn bị “quá tay” nhiều lần mà không có cách nào ghìm lại thì đó chính là gia tốc dương, một loại gia tốc dễ nhận thấy nhất và hay gặp nhất ở các cảm biến lỗi.
Loại thường được các nsx đưa ra nhằm đại diện cho mức độ gia tốc tối đa (vẩy chuột) mà cảm biến vẫn phát hiện được bề mặt, hoặc là cho thấy việc cảm biến có thể chịu được một mức độ gia tốc từ điểm này tới điểm khác nhanh tới đâu. Hãng Avago (nay đã được PixArt mua lại) sử dụng thông số này để định nghĩa gia tốc tối đa của sensor bắt đầu từ điểm chuột chưa chuyển động. Thông số này được có đơn vị là g (gia tốc trọng trường) với 1g tương đương với 9.8m/s2.
Lưu ý: để đạt được thông số như nsx đưa ra thì phải cần một lực gia tốc rất lớn và điều này vượt rất xa so với lực tác động mà một người bình thường có thể tác động lên thiết bị. Ví dụ, để đạt được mức gia tốc là 15g thì bạn phải tăng tốc từ 0 cho tới 5.1m/s và chỉ gói gọn trong khoảng 35ms!
Trong một ví dụ thực tế khác, để di chuyên từ điểm A cho tới điểm B trên mousepad Steelseries QcK (bề ngang 320mm và A, B nằm ở 2 rìa chiều ngang này), bắt đầu từ 0 m/s và kết thúc ở 4 m/s trong khoảng thời gian 80ms, khi đấy chúng ta sẽ chạm mốc ở 5.1g (80ms là khoảng thời gian cần để di chuyển vượt qua chiều ngang của pad QcK trong khi tốc độ luôn đạt ở 4 m/s).
Inches Per Second (IPS)
Inches per Second là một thông số được nhà sản xuất đặt ra, hay còn được hiểu là tốc độ đọc bề mặt cao nhất mà cảm biến vẫn có thể hoạt động một cách bình thường), với 1m/s sẽ tương đương với 39.4 IPS. Nếu IPS được đưa ra với khoảng từ 60-120 thì con số thấp nhất biểu thị cho việc cảm biến sẽ hoạt động hoàn toàn bình thường trong khoảng từ 60-70 IPS với hầu hết bề mặt (còn tùy thuộc vào từng loại cảm biến).
Lift of Distance (LOD)
Lift of Distance là khoảng cách cao nhất mà tại đấy cảm biến sẽ không còn quét được bề mặt nữa (mất tín hiệu). Thông số này cực kì quan trọng đối với những game thủ thuộc nhóm sử dụng độ nhạy chuột thấp do những game thủ này thường sẽ có thói quen nhấc chuột rất nhiều. Việc xác định LOD rơi vào khoảng nào thường được làm bằng cách kê chuột lên bằng đĩa CD (mỗi CD vào khoảng 1.2mm), và đã có ± độ dày của đế chuột (mouse feet/skater).
Đối với những cảm biến có LOD cao, thì thường được “chữa cháy” bằng cách “tape fix” nhằm giảm bớt LOD xuống. Để làm được cách này thì đơn giản chỉ cần lấy một miếng băng keo (ko phải băng keo trong) che đi khoảng một nửa khe hở cảm biến nhưng phải đảm bảo là cảm biến không bị che khuất (thực tế là che bớt đi một phần ánh sáng được chiếu xuống bề mặt). Nếu làm đúng thì sẽ giảm được LOD đáng kể, nhưng đối với một số gaming mouse, việc sử dụng “tape fix” có thể ảnh hưởng ít nhiều đến trục Z (trục trong không gian 3 chiều), hoặc có thể làm cho cảm biến không đạt được tốc độ quét vốn có. Với một cách xử lý mới hơn, không có sự “chắp vá” như tape fix thì ta sẽ dùng một gaming mousepad có bề mặt màu đen hoàn toàn (vd như dòng Steelseries QcK), LOD sẽ giảm đáng kể do tính chất hấp thụ ánh sáng của màu đen. Ngược lại nếu dùng mousepad có màu sáng hoặc sáng nhất là màu trắng, LOD sẽ còn cao hơn bình thường. Trong trường hợp nếu gaming mouse của anh em đã có LOD thấp sẵn, việc sử dụng cùng mousepad màu đen sẽ phải cân nhắc nhiều nếu không muốn bị giảm LOD quá sâu dẫn đến mất tín hiệu đột ngột giữa đường di. Lúc này, một mousepad có màu sáng hơn (màu ghi xám như các gaming mousepad của MSI) sẽ đảm bảo việc giữ cho LOD không bị ảnh hưởng.
Còn tiếp…