Bàn phím cơ Razer Huntsman với công tắc (switch) quang học là một trong hai đại diện thế hệ bàn phím cơ mới của Razer (bên cạnh bàn phím cơ Razer Huntsman Elite có thêm kê tay và nhiều tính năng khác). Vẫn giữ nguyên cách vận hành switch cơ học, nhưng đã có sự thay đổi cụ thể ở bước nhận tín hiệu bằng hệ thống tia laser thay vì đóng/mở mạch điện theo cơ học truyền thống. Vậy công nghệ này có lợi ích gì mà khiến Razer từ bỏ phát triển cơ học truyền thống, vốn có một quá trình phát triển dài từ BlackWidow bản đầu tiên kể từ năm 2011 cho tới nay? Phải chăng Razer đang cần một cuộc cách mạng để thay đổi ?
Chuẩn luôn, Razer nhiều năm nay có vẻ đã tự chán vì không có gì mới mẻ. Bên cạnh đó, cái tiếng “dẫn đầu công nghệ” nay cũng đã bị xâm lấn bởi quá nhiều đối thủ mạnh trong ngành. Tuy tham gia vào thế giới switch quang học không phải là sớm nhất, nhưng Huntsman cũng đã làm thế giới game thủ tranh luận một cách “sôi động” chẳng kém gì thời xưa bàn phím cơ Razer BlackWidow “biến tấu” lại switch cơ học truyền thống của Kailh.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu switch Razer Opto-mechanical trong bàn phím cơ Razer Huntsman này hoạt động như thế nào, và phân tích thêm về việc trên thực tế có gì hơn switch cơ học phổ biến như Cherry hay Kailh.
Ở bàn phím cơ Razer Huntsman Opto-mechanical chúng ta có một loại switch có khấc phản hồi (tactile) khá sát với đỉnh hành trình, nghĩa là chúng ta sẽ cảm nhận thấy có sự phản hồi của phím bấm ngay khi bắt đầu ấn xuống cùng tiếng clicky (na ná tiếng của CherryMX Blue, nhưng hành trình lại giống TTC switch ở Roccat Suora).
Nếu như Cherry switch có tactile và nhận tín hiệu ở khoảng 2-2,2 mm trên tổng hành trình 4 mm thì Razer Opto-mechanical nhận tín hiệu ở 1,5 mm trên tổng hành trình 3,5 mm. Ở CherryMX hay các switch tương tự đều nhận tín hiệu thông qua việc tiếp xúc kim loại, chính là khái niệm đóng/mở mạch điện mà chúng ta đã được học ở phổ thông. Switch quang học trong bàn phím cơ Razer Huntsman thì khác, việc kết nối tín hiệu thông qua tia laser chiếu sáng kết nổi 2 vị trí phát và nhận, và việc ngắt kết nối xảy ra khi tia sáng này bị chặn lại ở giữa. Theo cấu tạo, Razer Opto-mechanical switch sẽ cho tia sáng liền mạch khi bấm phím xuống qua mốc 1,5mm hành trình, trục tịnh tiến của switch (slider) sẽ không còn cản trở tia sáng, và khi lò xo đẩy lên về vị trí ban đầu, trục tịnh tiến này sẽ lại ngắt tia laser và ngắt tín hiệu. Tốc độ ánh sáng đương nhiên là quá nhanh, việc nhận tín hiệu cũng vì đó mà không thể nhận ra độ trễ đối với nhận biết của con người.
Chúng ta đều biết laser là ánh sáng hội tụ, không gian hoạt động gọn gàng trong từng switch, do đó sẽ không thể gây “nhiễu” tín hiệu khi bị lẫn ánh sáng với các switch lân cận. Ngoài ra, khi loại bỏ nhiều bộ phận cơ học thì việc hoạt động có phần đơn giản hơn, ít bị ma sát hơn, kết hợp với lò xo lực đẩy chỉ 45g sẽ cho cảm giác bấm rất nhẹ và lướt. Ngoài ra khối lượng của bàn phím cơ Razer Huntsman rất nhẹ, liệu có phải một phần từ lý do này? Tuy nhiên việc đó không quan trọng, mà chúng ta hãy chú ý tới việc Razer tuyên bố switch quang học Opto-mechanical trong Huntsman có tuổi thọ lên tới 100 triệu lượt bấm, nghĩa là gấp đôi tuổi thọ của switch cơ học truyền thống CherryMX (!!!)
Việc tự tin như vậy không phải là không có lý do, hãy chú ý tới chi tiết ở từng switch Razer Opto-mechanical đều có thanh sắt cân bằng (stabilizer) hỗ trợ phím bấm có hành trình bấm xuống tịnh tiến vững vàng và chắc chắn. Đồng thời với đó trục tịnh tiến (slider) là nhựa bóng bề mặt trơn mịn để giảm ma sát với nắp switch (housing). Kết hợp các chi tiết thanh cân bằng, slider nhựa bóng, cấu tạo giảm các chi tiết cơ học, cho một Razer Opto-mechanical vận hành nhẹ nhàng và trơn tru. Công nghệ nhận tín hiệu bằng quang học cũng cho tin cậy hơn nhiều so với tiếp xúc cơ học của mạch điện truyền thống.
Về độ bền, theo lý thuyết switch quang học kết hợp cơ học như Razer Opto-mechanical sẽ thọ hơn cơ học toàn phần vì tránh được ma sát ăn mòn. Nhưng sử dụng thực tế có lỗi vặt hay không thì cần chờ thêm thời gian để khẳng định, vì dù sao bàn phím cơ Razer Huntsman series với switch quang học hoàn toàn mới xuất hiện chưa lâu trên thị trường.
Về tổng thể, bàn phím cơ Razer Huntsman Opto-mechanical cho một cảm giác bấm cực kỳ đồng đều về lực và độ ổn định. Các vị trí bấm không nằm ở trung tâm như 4 cạnh nắp phím (keycap) đều cho lực tương đồng và xuất hiện cực kỳ ít cho tới không nhận thấy ma sát giữa trục tịnh tiến (slider) và nắp switch (housing). Các phím dài cho cảm giác bấm nhẹ nhàng hơn khi bấm lệch ra hai đầu theo thói quen của nhiều người dùng, từ đó cho cảm giác khá thoải mái (ví dụ như bấm Enter và Backspace bằng ngón út tay phải vốn yếu lực hơn các ngón còn lại). Tuy nhiên, hãy chú ý nếu chúng ta có thói quen bấm lực mạnh hoặc hơi thừa sẽ có phần khó chịu khi phím chạm đáy. Dù ít dù nhiều, khi chạm đáy anh em sẽ thấy phím hơi rít, sạn, có gì đó không trơn tru như hành trình ở đoạn cao hơn.
Keycap vẫn là dạng nhựa trắng mờ giúp ánh sáng có thể xuyên qua, phủ lớp nhung UV làm lớp vật liệu tiếp xúc ngón tay người dùng và để tạo hình ký tự. Đây là dạng keycap phổ thông đã có từ rất lâu không có gì mới mẻ, chỉ là ở bàn phím cơ Razer Huntsman Opto-mechanical có phủ dày hơn một chút mà thôi (chống chỉ định bấm phím bằng móng tay vì dễ bị bong nham nhở).
Anh em chê keycap gốc và muốn thay keycap? Dễ thôi, vì slider của Razer Opto-mechanical là dạng chân chữ thập thân thiện với số lượng lớn keycap trên thị trường. Nhưng vẫn là nhược điểm cố hữu: Hàng dưới cùng (thuộc R1) có độ dài phím “dị”, không thuộc phần lớn keycap hàng thửa vẫn như layout phím đặc trưng lâu nay của Razer. Người dùng sẽ khá vất vả khi tìm kiếm từng phím phù hợp.
Đèn nền RGB vẫn là điểm mạnh đáng tự hào trong các bàn phím cơ Razer xuất hiện vài năm gần đây. Ánh sáng trên từng switch cho màu sắc tươi và sáng, độ chuyển màu khi cài đặt các hiệu ứng chạy Wave hay chuyển màu đều rất mịn, hoặc đèn tĩnh (sáng 1 màu liên tục) không có hiện tượng đèn bị nhấp nháy hay “rung”, . Chúng ta có thể kiểm tra dễ dàng bằng việc dùng điện thoại quay phim lại hiệu ứng đèn nền ở các mức khung hình cao như 60 frame/s, 50 frame/s: Đèn nền cho cường độ ánh sáng hoàn toàn đồng nhất.
Tất nhiên, chúng ta đã quá quen thuộc với mức giá cao của Razer gaming gear, nhưng đổi lại là bảo hành 2 năm, đổi mới 100% không sửa chữa dù là lỗi điện tử nhỏ nhất, hãy yên tâm trải nghiệm thế giới mới của Razer Opto-mechanical switch trong Razer Huntsman. Và Razer Huntsman mới chỉ là cánh cổng đầu tiên đi vào thế giới này. Hoành tráng hơn cả về chức năng lẫn ngoại hình (với mức giá bán cao ngất) chúng ta có thêm Razer Huntsman Elite: Thêm các phím Multimedia, kê tay da có led viền đồng bộ với bàn phím.
Hãy tận hưởng, vì Razer Huntsman series sẽ không làm chúng ta thất vọng với những thứ mới mẻ mà Razer theo đuổi. Và càng không thất vọng khi Phong Vũ đang giảm giá 15% tao cơ hội cho anh em có thể tiếp cận “hàng nóng” này một cách hào hứng hơn. Nhanh tay vì chương trình khuyến mãi luôn có giới hạn về thời gian lẫn số lượng bán nhé 😀
CLICK HERE! https://phongvu.vn/landing/tuan-le-game-thu-razer.html
From Phong Vũ Hi-End with Love
Fanpage: https://www.facebook.com/PhongVuHE/
Group: https://www.facebook.com/groups/PhongVuHE/