Công nghệ đang dần trở thành trung tâm của mọi ngành công nghiệp – từ Xây dựng công trình cho tới Quản trị y tế và Sản xuất thực phẩm. 2019 sẽ là năm mà chúng ta được chứng kiến ứng dụng thực sự đang ngày càng hoàn thiện của AI (Artificial Intelligence/ Trí tuệ nhân tạo) với tiềm năng trong cá nhân hóa, giám sát và marketing. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nên những thử thách mới trong việc phân phối dữ liệu và quyền tiếp cận tới chúng.
1. “Siêu cá nhân hóa” mọi khía cạnh trong cuộc sống
Càng nhiều dữ liệu từ người dùng, các tập đoàn càng thấu hiểu họ và dễ dàng tiếp thị hơn.
Trong năm 2019, chúng ta sẽ được chứng kiến sự tăng trưởng của hợp tác xuyên ngành để hiểu rõ hơn người dùng và đem đến cho họ những sản phẩm tinh tế nhất.
Ví dụ rõ ràng nhất có thể kể tới sự hợp tác của dịch vụ stream nhạc lớn nhất toàn cầu – Spotify với Ancestry – công ty tư nhân vì lợi nhuận đi đầu trong lĩnh vực phả hệ. Âm nhạc phản ánh những nét đặc trưng nhất định của một nền văn hóa, dân tộc, tôn giáo. Một cá thể có nguồn gốc tổ tiên từ Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam, có thể được tự động gợi ý âm nhạc của nghệ sĩ trường phái quan họ Bắc Ninh hay những nhạc phim kháng chiến trong danh sách phát của mình.
DNA cũng cho biết cách chúng ta sinh hoạt, ăn uống. GenoPalate thu thập thông tin DNA thông qua mẫu nước miếng và phân tích đặc điểm sinh lý như khả năng hấp thụ vitamin hay tốc độ trao đổi chất của một cá nhân. Từ đó, tích hợp thông tin này với các mẫu nghiên cứu dinh dưỡng trên hàng loạt những loại thực phẩm khác nhau và gợi ý chế độ ăn phù hợp.
Các nhà phê bình tin rằng một số quy trình cá nhân hóa dựa trên DNA là ngụy khoa học. Thay vào đó, một số chiến thuật cá nhân hóa trực tiếp cũng đang ngày càng được ưu ái hơn nhờ sự xuất hiện của các công cụ như nhận diện hình ảnh.
Bằng sáng chế được hoàn tất vào tháng 8 năm 2016 bởi L’Oreal là một minh chứng cho việc ngành công nghiệp sắc đẹp đang hướng đến công nghệ nhận diện hình ảnh để có thể tạo nên những sản phẩm đặc biệt, phục vụ riêng cho khách hàng cá nhân.
Sáng chế bởi L’Oreal sử dụng một cơ chế thị giác, giống như camera smartphone hay thiết bị theo dõi trong cửa hàng để thu thập thông tin, từ kết cấu tới màu sắc của da và tóc khách hàng mua sắm. Dựa vào đó, công ty có thể tạo nên tổ hợp sản phẩm phù hợp nhất với người mua hàng.
Phương tiện giao thông tự động trong tương lai cũng rất có thể sẽ sử dụng dữ liệu cá nhân hóa để đem đến cấu hình cài đặt xe linh hoạt.
Vào tháng 7/2018, cả Amazon và Apple đã được cấp bản quyền cá nhân hóa các tính năng cho phương tiện tự động.
Bằng sáng chế của Amazon hoạch định các tùy chỉnh hồ sơ dành riêng cho người dùng để quyết định đưa ra những ưu tiên hoạt động trên xe. Những ưu tiên này bao gồm sự an toàn, ví dụ như phát hiện có trẻ nhỏ trên xe để kích hoạt khóa cửa tự động. Amazon còn có thể sử dụng công nghệ của họ để giới hạn phương tiện đi tới một số địa điểm cụ thể, ví dụ như một quán bar nếu người làm chủ phương tiện chưa đủ tuổi.
Sáng chế của Apple tập trung vào tùy chỉnh cho sự tiện nghi và thoải mái. Thoải mái trong cách phương tiện tăng tốc, giảm tốc và đổi hướng. Giả sử, khi một người dùng bước vào chiếc xe, thuật toán nhận diện khuôn mặt của Apple sẽ nhận ra họ và điều chỉnh mọi thứ như dáng ngồi, chuyển động mắt và nhịp tim để đo lường mức độ thoải mái.
Trong năm 2019, hãy chuẩn bị cho nhiều luồng thông tin giao thoa hơn nữa để mở rộng cơ hội cá nhân hóa triệt để mọi khía cạnh trong cuộc sống.
2. Smart home hướng tới phục vụ công dân cao tuổi
Có một sự khác biệt rất lớn giữa các cụ già 10 năm trước đây so với các cụ ngày này – người cao tuổi đang dần tận dụng được sự tiện nghi của công nghệ.
Khi các thế hệ công dân thân thiện với công nghệ già đi, những thị trường mới nhờ đó được mở ra.
Tuy nhiên công nghệ yêu cầu nhiều thông tin đầu vào của người dùng có thể là một sản phẩm khó bán, đặc biệt với người cao tuổi. Ví dụ như nhập dữ liệu đường trong máu hay đo cân nặng mỗi ngày quả thực là một yêu cầu lớn. Hoặc thậm chí khi một công dân cao tuổi đang phải chịu đựng một cơn trụy tim thì sao? Cơ hội để họ có thể liên lạc tới bác sĩ qua Alexa trong khi đang trong tình huống ngặt nghèo như vậy là rất nhỏ.
Bởi lý do đó, công nghệ chăm sóc sức khỏe dựa trên mô hình smart home gia nhập nhóm thị trường công dân cao tuổi trong năm 2019 với vai trò là một công cụ thụ động.
Trong tháng 1/2018, Google xin bảo vệ quyền phát minh cảm biến quang học tích hợp cố định trên những vị trí như gương phòng tắm để thu thập dữ liệu về chức năng tim mạch. Trên lý thuyết, cảm biến sẽ theo dõi những biến đổi màu sắc trên da, kiểm tra xem liệu có sự gián đoạn xảy ra trong dòng chảy của máu hay không. Mỗi khi một người dùng cao tuổi bước vào trong phòng tắm để đánh răng hoặc rửa tay, họ sẽ cung cấp dữ liệu về lưu thông máu một cách thụ động cho những cảm biến nói trên.
Tới tháng 10/2018, Amazon được cấp quyền phát minh sáng chế cho công nghệ nhận diện những bất thường trong giọng nói như ho, đau họng và thậm chí cả những trạng thái cảm xúc như nỗi buồn hay sự hứng khởi. Khi một công dân cao tuổi ho, Alexa có thể đưa ra khuyến cáo sử dụng thuốc tới họ. Hoặc nếu được lập trình, những dữ liệu này có thể được chuyển trực tiếp tới người thân hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc.
Công nghệ giám sát cũng giúp đem lại hiệu quả trong việc theo dõi thụ động. Tính năng drop-in của Amazon Echo cho phép mọi người phát sóng tới bất kì bộ loa nào trong một ngôi nhà, đồng nghĩa với việc một người dùng có thể liên lạc tới công dân cao tuổi mà không cần họ phải tiếp nhận cuộc gọi. Camera trong nhà như Google Clip cũng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để luôn nhận diện một cá nhân và giữ họ trong tầm quan sát.
Ecobee, một sáng kiến được hỗ trợ bởi Amazon, khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin ẩn danh để hỗ trợ họ thấu hiểu hành vi tốt hơn – đăc biệt với người già.
Cảm biến của Ecobee sử dụng những dữ liệu này để hiểu chuyển động và những thay đổi trong hành vi của một thành viên cao tuổi trong gia đình. Ví dụ, nếu số lần họ lên và xuống cầu thang giảm đi rõ rệt, rất có thể họ đang phải trải qua cơn đau đầu gối.
Càng nhiều dữ liệu hành vi thụ động chúng ta có được từ người già, ứng dụng của những thiết bị này càng có nhiều tiềm năng trong tương lai.
3. Chào tạm biệt các trung tâm thương mại, xin chào “khoảnh khắc bán lẻ”.
Những cửa hàng bán lẻ truyền thống có thể đang gặp khó khăn, nhưng bản thân shopping vẫn thịnh hành hơn bao giờ hết, chỉ có hình thức và kênh mua bán đang dần thay đổi.
Theo Adobe, người mua hàng tại Mỹ chi tiêu trong dịp Black Friday 2018 vừa qua nhiều hơn đến 24% so với năm 2017. Cyber Monday đạt $7.9 tỉ – nhiều hơn gần 20% so với cùng kì năm trước.
Nhưng không chỉ mình thương mại đang dần đươc “online”. Quá trính số hóa đang dần thâm nhập vào rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống offline của chúng ta, như lái xe chẳng hạn.
Các startups, tiêu biểu như Cargo đang tận dụng thời gian chết của người lái xe trên phương tiện. Cargo sắp xếp những kiện hàng từ các thương hiệu lớn vào bên trong những chiếc xe của các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, với Uber là ví dụ điển hình. Khi một khách hàng một chiếc xe có lắp đặt Cargo, họ có thể quét mã QR hoặc sử dụng ID để duyệt qua thùng hàng của xe và chọn sản phẩm mua hàng. Giờ đây, thay vì lãng phí 30 phút trong khi tắc đường, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để kiếm một bộ sạc iPhone hoặc đơn giản chỉ là một gói bim bim.
Một số thương hiệu tên tuổi đồng ý tham gia loại hình kinh doanh này có thể kể đến như Kellogg’s hay Coca-Cola.
Trên lý thuyết, những “khoảnh khắc bán lẻ” này không bị bó hẹp trong môi trường những chuyến xe. Chúng có thể xảy ra ở tất cả mọi nơi, được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của những công nghệ như thực tế tăng cường, cửa hàng thanh toán tự động và nhà máy thông minh.
Các sáng chế sau có thể giúp chúng ta mường tượng một số viễn cảnh trong tương lai.
Vào tháng 8/2018, tập đoàn bán lẻ đa quốc gia tới từ Mỹ – Walmart được cấp bằng sáng chế, cho phép người mua hàng trang bị lên mình bộ headset thực tế ảo VR và găng tay tích hợp cảm biến để tương tác với cửa hàng Walmart trong thế giới ảo. Robot tự động sau đó sẽ hoàn tất những đơn hàng ảo này tại nhà máy Walmart.
Một sáng chế cũ hơn của Walmart cũng thể hiện tầm nhìn của tập đoàn về bốt bán lẻ, có thể được lắp đặt tại môi trường văn phòng, trung tâm thương mại và kể cả những tòa nhà chung cư.
Tham khảo CBinsight (còn tiếp)